Hơn một năm trở lại đây, dòng vốn đầu tư từ những thị trường như Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc đã “tăng tốc” đổ vào bất động sản Việt Nam như một làn sóng mới.  

Tỷ suất lợi nhuận khi đầu tư vào thị trường nhà ở tại Việt Nam hiện bình quân ở mức 20 – 30%/năm đã hấp dẫn các nhà đầu tư ngoại.

Dồn dập vốn Nhật

Theo ông Võ Văn Hoan – Chánh văn phòng UBND TP.HCM, hiện đang có các luồng đầu tư mới từ Nhật Bản đến tìm hiểu cơ hội tại TP.HCM. Số liệu thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Thành phố tính đến tháng 10 năm 2016 cho thấy, Nhật Bản nằm trong ba nhà đầu tư dẫn đầu vào TP.HCM.

Dấu ấn cho làn sóng đầu tư mới này có thể kể đến những cái tên hiện đã trở nên quen thuộc với thị trường nhà ở tại Việt Nam như Creed Group (đầu tư vào dự án căn hộ City Gate Towers ở quận 8 của Năm Bảy Bảy, An Gia Investment, dự án River City ở quận 7), Hankyu Realty và Nishi Nippon Railroad (hợp tác với Nam Long phát triển dự án căn hộ Flora Anh Đào, Fuji Residences ở quận 9).

Và ngay khi tuyến tàu điện ngầm số 1 Bến Thành – Suối Tiên (Metro số 1) khởi động, những nhà đầu tư Nhật Bản khác đã được xướng tên. Cụ thể là Toshin Development đề xuất đầu tư công trình trung tâm thương mại ngầm Bến Thành. Hay mới đây, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã phát đi thông tin Nhật sẽ giúp Việt Nam thực hiện dự án chống ngập lụt.

Dự án sẽ bắt đầu được thực hiện tại TP.HCM vào năm 2017 với tổng vốn đầu tư lên tới 22 tỷ yen (khoảng 211 triệu USD). Ngoài việc hỗ trợ cho vay với mức lãi suất thấp, phía Nhật Bản cũng tham gia vào các hoạt động của dự án như một doanh nghiệp tư nhân đầu tư tài chính.

Các doanh nghiệp tham gia dự án chống ngập sau đó sẽ tiếp nhận khu đất với diện tích tương ứng tổng vốn đầu tư và triển khai xây dựng tòa chung cư 20 tầng. Công ty xây dựng công nghiệp Maeda (một trong những đơn vị thi công tuyến Metro số 1), mới đây cũng đã hợp tác với công ty trong nước là Thiên Đức để phát triển dự án căn hộ cao cấp đầu tiên tại thị trường Việt Nam – Waterina (quận 2).

Thêm nữa, vào tháng 9 vừa rồi, Tập đoàn Global Group (Nhật Bản) cũng đã ký hợp đồng hợp tác toàn diện với Công ty CP Nhà Mơ. Theo đó, phía công ty Nhật sẽ là đối tác đầu tư, đưa kinh nghiệm phát triển dự án, công nghệ, kỹ thuật vào quá trình thi công, đồng thời chuyển giao quy trình quản lý, vận hành theo tiêu chuẩn Nhật Bản vào dự án. Hai bên sẽ khởi đầu với dự án Dream Home Palace (quận 8, TP.HCM).

Ngoài ra, theo chia sẻ của ông Lê Quốc Duy – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Địa ốc Tiến Phát (Tiến Phát Corp), sắp tới, Công ty sẽ ký hợp đồng với Pressance Corporation – một công ty chuyên đầu tư, phát triển căn hộ và kinh doanh dịch vụ bất động sản tại Nhật Bản.

Tiến Phát Corp. và Pressance Corporation sẽ thành lập công ty liên doanh với mục tiêu tham gia đầu tư, phát triển các dự án nhà ở tại TP.HCM, trước mắt sẽ cùng mua lại một dự án và triển khai xây dựng 500 căn hộ, với tổng vốn đầu tư khoảng 1.200 tỷ đồng (kể cả tiền đất).

Được biết, đây là lần thứ hai Tiến Phát Corp. bắt tay với đối tác Nhật. Trước đó, vào tháng 5/2016, doanh nghiệp này đã hợp tác chiến lược với Tập đoàn Sanyo Homes, phát triển dự án căn hộ cao cấp Ascent Lakeside (quận 7), với tổng vốn đầu tư 25 triệu USD. Hơn nữa, cả hai cũng đang chuẩn bị triển khai dự án căn hộ thứ hai tại quận 4, TP.HCM.

Nói về hợp tác với doanh nghiệp Nhật Bản, ông Lê Quốc Duy nhìn nhận: “Dự án nào hợp tác với doanh nghiệp Nhật thường tỷ lệ thành công rất cao vì họ khảo sát khá kỹ lưỡng trước khi đi đến quyết định giải ngân vốn và cách thức họ triển khai khá bài bản, đây cũng là bảo chứng tốt cho dự án trong mắt khách hàng”.

Cộng hưởng từ dòng vốn khác

Cùng với Nhật Bản, Đài Loan, Singapore cũng nằm trong nhóm ba nhà đầu tư dẫn đầu về vốn FDI vào TP.HCM trong 10 tháng đầu của năm 2016. Bên cạnh đó là sự hiện diện của các nhà đầu tư đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ khác ở châu Á, như Hong Kông, Hàn Quốc… Trên thực tế, họ đã bước vào thị trường bất động sản Việt Nam khá lâu, chủ yếu ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM và đây là thời điểm họ tiếp tục rót vốn để thực hiện kế hoạch mới.

Chẳng hạn như trường hợp của CapitaLand (Singapore), thông qua công ty con là CapitaLand (Vietnam) Holdings, doanh nghiệp này đã mua một dự án  (0,5 ha) tại phường Cầu Kho (quận 1) trị giá 51,9 triệu USD.

Theo kế hoạch, dự án sẽ là tòa nhà bao gồm 2 tháp căn hộ, cung ứng trên 300 căn (gồm cả căn hộ để ở và căn hộ dịch vụ) và dự kiến đi vào vận hành năm 2018. Tính đến tháng 6/2016, CapitaLand có tổng giá trị tài sản tại Việt Nam là 748 triệu SGD, nâng Việt Nam trở thành thị trường lớn thứ ba trong khu vực ASEAN của Tập đoàn (sau Singapore và Malaysia).

Liên quan đến dòng vốn từ Singapore, trước đó, trả lời phỏng vấn Báo Doanh Nhân Sài Gòn, ông Nguyễn Dư Lực – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Bất động sản Hưng Lộc Phát cho biết, Công ty chuẩn bị bắt tay với một đối tác Singapore để trước mắt triển khai dự án căn hộ tại trung tâm quận 7, TP.HCM. Đồng thời, 2 bên sẽ chuẩn bị nguồn vốn để tiến hành mua thêm dự án mới nhằm tăng cường quỹ đất, phục vụ cho chiến lược dài hơi hơn.

Một nhà đầu tư gắn bó với thị trường Việt Nam từ những năm đầu mở cửa kêu gọi đầu tư nước ngoài là Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng (có sự tham gia của Tập đoàn Central Trading & Development Group, Đài Loan) cũng cho biết kế hoạch của doanh nghiệp trong giai đoạn mới của thị trường bất động sản.

Ông Trương Quốc Hưng – Phó tổng giám đốc Công ty Phú Mỹ Hưng chia sẻ, bên cạnh khu căn hộ Saigon South Residences – dự án nhà ở chiến lược được triển khai đến năm sau, phía Công ty đồng thời sẽ tiếp tục giải ngân vốn để phát triển các dự án thành phần thuộc khu đô thị hiện hữu, song chủ yếu tập trung cho hạng mục văn phòng, các tiện ích khác thay vì căn hộ như trước đó.

Còn với Tập đoàn Sunwah (Hong Kong) mới đây, Sunwah Kingsway (thuộc Sunwah Group) đã ký kết với công ty quản lý quỹ Saigon Asset Management (SAM) để thành lập công ty liên doanh Sunwah Kingsway Vietnam (SKV), với vốn ban đầu là 100 triệu USD để tìm kiếm các cơ hội đầu tư mới vào thị trường vốn, công ty tư nhân và bất động sản.

Ông Louis Nguyễn – Tổng giám đốc SKV cho biết, với những dự án bất động sản tiềm năng, đòi hỏi lượng vốn lớn, phía Công ty sẽ xem xét để bỏ thêm vốn vào, chứ không bị giới hạn trong khoản 100 triệu USD. Một nhân vật khác nằm trong ban lãnh đạo của SKV đã bày tỏ quan điểm, đây là thời điểm khả quan hơn cho thị trường bất động sản Việt Nam sau nhiều năm rơi vào khủng hoảng, những cơ hội M&A cũng đã mở ra, công ty sẵn sàng giải ngân vốn cho những khoản đầu tư tốt.

Đánh giá về cơ hội cho các nhà đầu tư ngoại khi tham gia thị trường Việt Nam, ông Lê Quốc Duy, Tiến Phát Corp. nhìn nhận, tại châu Á, thị trường Việt Nam được đánh giá cao về độ ổn định chính trị và dư địa dành cho thị trường nhà ở còn lớn với dân số trẻ tại các đô thị có nhu cầu về nhà ở khá cao. Cho nên, tỷ suất lợi nhuận khi họ đầu tư vào thị trường nhà ở bình quân cũng đã ở mức 20 – 30%, đôi khi có những khoản đầu tư lên đến 50%, hấp dẫn hơn nhiều so với việc họ giữ lại tiền trong nước, với lãi suất chỉ 1 – 2,5%/năm, thậm chí ở vài quốc gia là 0%.

Thep Vfpress.vn./.