(PLO)- Chính phủ ra quyết định Khởi Công Cao Tốc Phan Thiết – Dầu Giây chậm nhất vào tháng 8 năm nay

Tháng 8 khởi công cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây
Tháng 8 khởi công cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây

(PLO)- Chính phủ chuyển toàn bộ 8 dự án sang đầu tư công bằng nguồn vốn ngân sách.

Ngày 11-4, tin từ UBND tỉnh Bình Thuận cho biết đã bàn giao mặt bằng cho dự án cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây với tổng diện tích 291,8 ha qua địa bàn hai huyện Hàm Tân, Hàm Thuận Nam. Khu vực bàn giao chiếm 79,8% diện tích toàn dự án.

Trước đó, Bộ GTVT đề xuất Chính phủ chuyển đổi hình thức đầu tư dự án có nhu cầu cấp bách là Mai Sơn – quốc lộ 45, quốc lộ 45 – Nghi Sơn và Phan Thiết – Dầu Giây. Ba dự án này chuyển sang hình thức đầu tư công, sử dụng toàn bộ vốn ngân sách nhà nước.

Đồ họa cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây.
Đồ họa cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây.

Sau khi hoàn thành sẽ nhượng quyền khai thác theo hình thức hợp đồng – kinh doanh – quản lý (O&M) để thu hồi vốn.

Theo thông báo của Bộ trưởng Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Thường trực Chính phủ vừa tiến hành họp vấn đề này. Sau cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thống nhất với đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư chuyển toàn bộ 8 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công – tư (PPP) sang đầu tư công, trong đó có 3 dự án mà Bộ GTVT đề xuất.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu phải đẩy nhanh tiến độ với mục tiêu khởi công toàn bộ 8 dự án trên vào tháng 8-2020.

Việc Chính phủ quyết định chuyển đổi hình thức đầu tư từ PPP (Public – Private Partner, nhà nước và nhà đầu tư cùng thực hiện dự án) sang đầu tư công cho thấy tất cả dự án này đều rất cấp bách.

Các dự án này là những dự án quan trọng của quốc gia và đã được Quốc hội có quyết định chủ trương đầu tư tại Nghị quyết 52/2017/QH14 từ năm 2017.

Thủ tướng giao Bộ GTVT, Bộ KH&ĐT thực hiện thủ tục trình Quốc hội điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án theo quy định của Luật Đầu tư công.

Bộ GTVT phối hợp với các địa phương đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, đảm bảo đến thời điểm khởi công phải cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng. Lựa chọn các nhà đầu tư phải có đủ năng lực, kinh nghiệm, bảo đảm chất lượng, tiến độ theo đúng quy định pháp luật.

Dự án đường cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây có chiều dài toàn tuyến khoảng 99 km. Đoạn qua tỉnh Đồng Nai dài 51,5 km chạy qua các huyện Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Thống Nhất và TP Long Khánh với diện tích đất phải thu hồi khoảng 395 ha của 884 hộ gia đình.

Theo UBND tỉnh Đồng Nai, dự kiến trong tháng 5-2020, tỉnh Đồng Nai có thể bàn giao toàn bộ mặt bằng cho chủ đầu tư dự án đường cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây.

Tại Bình Thuận, tuyến đường cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết đi qua địa bàn hai huyện Hàm Tân và Hàm Thuận Nam với chiều dài khoảng 53 km. Đến nay, cơ quan chức năng đã phê duyệt bản đồ địa chính 8/8 xã, hồ sơ giá đất của hai huyện. Kinh phí giải phóng mặt bằng đoạn cao tốc qua địa bàn tỉnh dự kiến khoảng gần 900 tỉ đồng.

Đường cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết khi hoàn thành sẽ kết nối với hệ thống đường cao tốc Bắc-Nam đang được xây dựng từ Dầu Giây (Đồng Nai) đến Cần Thơ (gồm các đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, Bến Lức – Nhơn Trạch – Long Thành,  TP.HCM – Trung Lương – Cần Thơ). Từ đó tạo thành tuyến đường cao tốc dài gần 400 km đi qua các trung tâm kinh tế, các đầu mối giao thông quan trọng ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, liên kết khu vực miền Trung với miền Nam. Đây là một dự án quan trọng kết nối TP.HCM với TP Phan Thiết (Bình Thuận).

plo.vn