Nhằm kết nối khu vực nam Sài Gòn với trung tâm thành phố UBND TP HCM vừa ban hành kế hoạch Chương trình giảm ùn tắc và tai nạn giao thông trên địa bàn giai đoạn 2018-2020, tổng nguồn lực tập trung thực hiện là hơn 96.000 tỷ đồng. Thành phố đặt kế hoạch trong hai năm xây 49 cầu, làm 190 km đường bộ, vận tải hành khách công cộng đáp ứng 15% nhu cầu…
Về giải pháp thực hiện, thành phố cho biết sẽ ưu tiên sử dụng ngân sách để đầu tư các công trình giao thông thực sự cần thiết, đảm bảo phát huy hiệu quả khi đưa vào sử dụng; đồng thời đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ hiện đại trong quá trình thiết kế, thi công để đảm bảo chất lượng, tránh lãng phí và hạn chế ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân.
Bên cạnh đó, thành phố sẽ xây dựng đề án huy động tổng thể các nguồn lực để phục vụ cho đầu tư cơ sở hạ tầng trên địa bàn giai đoạn 2018-2022; ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng (đường bộ, đường thủy), hệ thống bến bãi phục vụ vận tải nhằm thu hút người dân tham gia; triển khai các giải pháp hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cá nhân.
Năm 2019, TPHCM phấn đấu làm mới và đưa vào sử dụng 75km đường bộ và 17 cây cầu. Mật độ đường giao thông đạt 2,14km/km². Tỷ lệ đất dành cho giao thông đạt 10,01% đất xây dựng đô thị. Khối lượng vận tải hành khách công cộng đô thị đáp ứng được từ 11,2% nhu cầu giao thông đô thị. Số vụ, số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông giảm 5% so với năm 2018.
Năm 2020, TP.HCM phấn đấu làm mới và đưa vào sử dụng 81km đường bộ và 18 cây cầu. Mật độ đường giao thông đạt 2,2km/km². Tỷ lệ đất dành cho giao thông đạt 12,2% đất xây dựng đô thị. Khối lượng vận tải hành khách công cộng đô thị đáp ứng được từ 15% nhu cầu giao thông đô thị. Số vụ, số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông giảm 5% so với năm 2019. Tổng nguồn lực thực hiện chương trình trong giai đoạn này hơn 96.000 tỷ đồng. Thành phố cũng quyết tâm đưa tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) vào khai thác trong năm 2020, đẩy nhanh tiến độ tuyến BRT số 1 trên đại lộ Đông Tây; tuyến metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương).
Ngoài ra, thành phố sẽ hoàn thành đầu tư hệ thống điều khiển giao thông để điều hành giao thông đô thị trong năm nay; sắp xếp lại các vị trí dừng, đỗ xe dưới lòng đường, vỉa hè; đưa ra giải pháp hạn chế sử dụng lòng đường làm chỗ đỗ xe và mở rộng việc thu phí đỗ xe dưới lòng đường trên toàn địa bàn. Ban Điều hành Chương trình hành động giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông giai đoạn 2018-2020 có 35 thành viên, do Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Vĩnh Tuyến làm Trưởng ban.
Toàn cảnh mạch giao thông khu vực Nam Sài Gòn
Dự án đầu tiên được nhắc đến là việc mở rộng tuyến đường Nguyễn Tất Thành. UBND Tp.HCM yêu cầu Cảng Sài Gòn báo cáo phương án di dời, bàn giao mặt bằng cảng Nhà Rồng- Khánh Hội, bảo đảm thời gian bàn giao mặt bằng trước ngày 31/12/2018. Theo phương án thiết kế đường Nguyễn Tất Thành sẽ mở rộng lên 40m. Theo các chuyên gia, nếu dự án hạ tầng này được triển khai sẽ là đòn bẩy thúc đẩy thị trường BĐS khu vực Q.4, Q.7 phát triển theo trong tương lai.
Được biết, quỹ đất trên hai tuyến đường ven sông còn lại của quận 4 là Nguyễn Tất Thành và Tôn Thất Thuyết đang được các chủ đầu tư săn tìm, cùng với hạ tầng được triển khai, thị trường địa ốc nơi đây hứa hẹn sự cạnh tranh gây gắt.
Dự án nâng cấp đường Huỳnh Tấn Phát thi công đoạn từ Trần Xuân Soạn đến cầu Phú Xuân, dài 6,5 km. Hệ thống cống thoát nước mới có đường kính 800 mm đến 2.000 mm – tận dụng hệ thống cống và hố ga cũ để thu nước. Mặt đường hiện hữu sẽ nâng lên cao thêm 20cm – 30cm, không gây ảnh hưởng đến nhà dân hai bên đường. Dự kiến công trình hoàn thành cuối năm 2018 với kinh phí khoảng 250 tỷ đồng. Đường trục Bắc – Nam bắt đầu từ quốc lộ 22 (An Sương, quận 12) đến Khu công nghiệp Hiệp Phước là một trong 2 tuyến trục xuyên tâm của TP HCM. Trong đó, đoạn từ đường Nguyễn Văn Linh đến cầu Bà Chiêm là trục chính trong “Quy hoạch giao thông vận tải TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020” đã được Chính phủ phê duyệt. Đường dài 7,5 km, rộng 29,5 m, gồm 6 làn xe. Dự án gồm cả xây dựng nút giao Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Hữu Thọ và xây cầu Rạch Đĩa, cầu số 1, cầu Bản 2, cầu Phước Kiểng, cầu Bà Chiêm.
Nhà đầu tư cam kết sẽ ứng toàn bộ kinh phí để giải phóng mặt bằng và ủy thác thành phố thực hiện bồi thường cho dự án đường trục Bắc – Nam cùng Khu đô thị Hiệp Phước. Được biết kinh phí cho này là 8.500 tỷ đồng. Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam cũng cho biết đang khẩn trương thi công ba gói thầu cuối của dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành để đưa dự án này vào hoạt động đầu năm 2020. Tuyến cao tốc Bến Lức – Long Thành dài 57,1 km. Trong đó, 4,89 km đường cao tốc đi qua tỉnh Long An gồm hai huyện Bến Lức và Cần Giuộc, 24,92 km đi qua TP.HCM gồm huyện Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ, và 27,28 km đi qua tỉnh Đồng Nai gồm hai huyện Nhơn Trạch và Long Thành.
Dự án đường Vành đai 4 đoạn Bến Lức – Hiệp Phước với chiều dài toàn tuyến khoảng 35,8km, đi qua các địa phương gồm tỉnh Long An dài 32km (huyện Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc), TP.HCM dài 3,8km đi qua huyện Nhà Bè. Sau khi hoàn thành tuyến đường sẽ có 8 làn xe cao tốc, 4 làn đường đô thị và vỉa hè hai bên, bề rộng 74,5m. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 hơn 6.707 tỷ đồng. Hiện nay dự án đang trong quá trình giải phóng mặt bằng. Dự kiến đi vào sử dụng sau 3 năm thi công. Như vậy, với hàng nghìn tỷ đồng đã, đang và sắp được đầu tư, mạng lưới giao thông khu vực Nam Sài Gòn và khu vực vùng ven như sẽ khơi dòng giao thông kết nối thẳng về trung tâm thành phố.