Theo ông Nguyễn Trần Nam, chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam (VNREA) cấu trúc của thị trường BĐS đang có xu hướng dịch chuyển qua từng giai đoạn. Rất nhiều nhà đầu tư đang theo đuổi phân khúc cao cấp. Khu vực sản phẩm này cũng có nền tảng khách hàng khá vững chắc khi nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng bền vững. Các nhà đầu tư không đổ tiền một cách ồ ạt mà sẽ thăm dò khách hàng để ứng biến đưa ra thị trường số lượng sản phẩm phù hợp nhất với nhu cầu.
Còn ông Nguyễn Dư Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty BĐS Hưng Lộc Phát, cho rằng sức mua của thị trường năm 2017 sẽ vẫn tiếp tục như thời gian vừa qua, đặc biệt các phân khúc như biệt thự hay nhà ở cao cấp sẽ được các nhà đầu tư và khách hàng quan tâm nhiều hơn. Điều này cho thấy dòng vốn đang dịch chuyển sang thị trường này rất mạnh mẽ. Tuy nhiên, các nhà đầu tư sẽ có những chiến lược cạnh tranh rất khác biệt thì mới có thể tạo được thanh khoản cho từng dự án từ thiết kế, tiện ích, đến phương thức thanh toán…
Chia sẻ ý kiến trên, ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Nghiên cứu Công ty quản lý quỹ Dragon Capital nhận định, trong những năm tới phân khúc nhà ở cao cấp sẽ rất dồi dào về nguồn cung.
Đồng quan điểm với ông Tuấn, ông Neil MacGregor, Giám đốc điều hành Savills Việt Nam, khẳng định rằng sức mua trên thị trường BĐS Việt Nam hiện nay trong một quý cũng đã bằng của Singapore cả năm, do vậy sẽ không có hiện tượng “bong bóng” BĐS trong thời gian tới. Ông cho rằng nếu sức mua rơi dưới 15% mới đáng quan ngại và lập tức phải có những cảnh báo cho toàn thị trường.
Theo quan sát, nhiều cảnh báo gần đây cho rằng phân khúc nhà ở cao cấp đang tạo độ lệch pha lớn trên thị trường và có dấu hiệu giao dịch chững lại. Tuy nhiên, trong vài tháng trở lại đây, để tăng tính thanh khoản, nhiều dự án giao dịch tốt ở phân khúc cao cấp đều đưa ra phương thức thanh toán khá “dễ thở” cho khách hàng.
Điển hình như dự án River City của liên doanh Phát Đạt – An Gia Investment – Creed Group áp dụng chính sách thanh toán 30% cho đến khi nhận nhà, trong đó thanh toán đợt 1 là 15% (tương đương khoảng 225 triệu đồng), 15% còn lại được chia dàn trải thành 3 đợt trong 9 tháng. Hàng loạt dự án của các ông lớn như Novaland, Phú Mỹ Hưng, Điền Phúc Thành, Capitaland, Keppel Land… cũng đưa ra phương thức thanh toán chỉ từ 1 – 2%/tháng.
Hay như với dự án Him Lam Phú An, thanh toán dài nhất hiện nay dành cho giới trẻ khi người mua chỉ phải trả 45% cho đến khi nhận nhà trong thời gian 2 năm, 50% giá trị căn hộ còn lại được trả chậm tiếp trong 4 năm sau khi đã nhận nhà. Do vậy, tổng thời gian trả lên đến 6 năm (72 tháng) và được chia nhỏ trả chậm 1%/tháng (tương đương 15 triệu đồng/tháng).
Ông Trần Văn Dũng, Giám đốc Công ty Địa ốc Trường Phát, cho rằng, phân khúc cao cấp hiện nay là “sân chơi” của những “ông lớn” thực sự. Chỉ có những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính vững mạnh, mới có thể đưa ra phương thức thanh toán 1 – 2%/tháng, mà vẫn đảm bảo tiến độ thi công. Tuy nhiên, nếu chủ đầu tư không đảm bảo nguồn vốn tự có, phải vay ngân hàng thì dự án phải gánh thêm chi phí vốn và đẩy giá lên cao. Chỉ có những doanh nghiệp hạn chế tối đa việc vay vốn và có quỹ đất rẻ thì mới có thể đưa ra mức giá tốt.
Chuyên gia này cho hay, đơn cử một dự án gần khu Thủ Thiêm quận 2 mới đây được chào thị trường với mức giá chỉ từ 28 triệu/m2. Trong khi đó, mặt bằng giá căn hộ khu vực Thủ Thiêm đang giao động 40 – 60 triệu/m2 và khu vực An Phú khoảng 30 – 37 triệu/m2. Đây là mức giá thấp hơn nhiều so với những dự án có vị trí tương đương. Lý do chủ đầu tư đưa ra được giá mềm hơn hẳn đối thủ, chính là dự án đã được gom đất sạch từ nhiều năm trước với giá “bèo”, và đến nay doanh nghiệp vẫn dùng vốn tự có, không tốn chi phí lãi vay.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, việc các chủ đầu tư đưa ra các giải pháp kích cầu là tín hiệu tốt. Tuy nhiên, cần ngăn ngừa khả năng khách hàng mua đầu cơ lướt sóng. Với tiến độ thanh toán nhẹ, dân đầu cơ có thể gom hàng chờ giá lên để kiếm lời. Nếu thị trường không tốt như kỳ vọng, nhóm khách hàng này có thể ngưng thanh toán, bán tháo… ảnh hưởng đến dòng tiền và việc bán hàng của chủ đầu tư.
“Căn hộ cao cấp đang là phân khúc cạnh tranh cực kỳ khốc liệt. Đặc biệt, những điểm nóng đón đầu các dự án hạ tầng quan trọng, kéo theo rất nhiều đại gia bất động sản trong và ngoài nước tranh thị phần. Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp có thể nhìn thấy tiềm năng, nhưng để giành được “miếng bánh” này thì phải có những lợi thế cạnh tranh nhất định. Trong đó, uy tín chủ đầu tư và lợi thế quỹ đất rẻ để cấu thành giá bán thấp là những yếu tố quan trọng hàng đầu” ông Châu nhận định.
Theo Trí thức trẻ./.